Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế - bài 1 PDF. In Email
Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 18:46

Bài 1: Nỗ lực không ngừng và hành trình đến với khoa học

Năm 2022 là một năm các đội tuyển Olympic quốc tế của Việt Nam bội thu huy chương khi 38/38 em đều đạt thành tích với 13 huy chương Vàng (HCV), 12 huy chương Bạc (HCB) và 8 huy chương Đồng (HCĐ), 5 Bằng khen,trong đó môn Hóa học có 4/4 học sinh đều ẵm HCV. Đặc biệt, sau gần 20 năm, môn Toán đã có học sinh đạt HCV ở điểm tuyệt đối 42/42, giúp Olympic Toán học quốc tế của Việt Nam vươn lên xếp thứ 4/104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đằng sau những tấm huy chương danh giá đó là biết bao câu chuyện cảm động về ý chí, nghị lực của các em học sinh giỏi. Ở đó còn là những nỗ lực không biết mệt mỏi của những người thầy đã đồng hành, truyền cảm hứng cho các em. Và phía sau những tấm huy chương đó còn là câu chuyện phát hiện, đào tạo, sử dụng, nuôi dưỡng nhân tài của Việt Nam với bao điều trăn trở, suy ngẫm…

Sau khi đoạt huy chương Olympic quốc tế, có em đã lên đường đi du học tại những trường đại học nổi tiếng của thế giới, có em đang học lớp 12, tiếp tục nuôi ước mơ giành “vàng” tại kỳ thi Olympic quốc tế 2023 sắp tới. Gặp các em, tôi càng thêm trân quý, cảm phục các em về ý chí, sự vượt khó, kiên trì trong học tập, bởi không có vòng nguyệt quế nào tự nhiên mà có được.

Năm 2022, Phạm Việt Hưng - thí sinh lớp 11 và cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất của đội tuyển Olympic Toán học quốc tế 2022 đã giành HCV với số điểm 39/42. Việt Hưng học chuyên Toán tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên. Hưng là chàng trai kiệm lời, khiêm tốn nhưng khi vào chuyện, em lại khá hóm hỉnh. Trong Toán học, Hưng luôn có lời giải hay, độc đáo nhưng em ít nói ra mà cứ âm thầm ngồi làm bài.

Nỗ lực không ngừng và hành trình đến với khoa học (bài 1) -0

Phút thư giãn, vui vẻ của “hai chàng trai vàng Toán học” Ngô Quý Đăng và Phạm Việt Hưng (đứng giữa)

“Bảng tổng sắp huy chương” Toán học tại các đấu trường khu vực và quốc tế của Việt Hưng thật đáng nể. Từ năm lớp 6, Việt Hưng đã đoạt HCV môn Toán tiếng Anh kỳ thi Toán học và Khoa học Quốc tế (IMSO13-2016) được tổ chức tại Indonesia; đạt giải Bạch kim vòng 1 tổ chức tại Việt Nam và Huy chương Vàng vòng 2 được tổ chức tại Singapore kỳ thi Toán châu Á Thái Bình Dương (APMOPS). Lên lớp 7, em lại đoạt HCV môn Khoa học bằng tiếng Anh kỳ thi Toán học và Khoa học Quốc tế được tổ chức tại Singapore… Hưng nhiều lần giành giải Nhất, Nhì các kỳ thi học sinh giỏi TP Hà Nội, học sinh giỏi quốc gia. Và năm 2022, em đã giành HCV tại Olympic Toán học quốc tế, một sân chơi danh giá cho những ai yêu Toán.

Anh Phạm Việt Anh, bố của Việt Hưng chia sẻ với tôi, từ nhỏ Hưng đã say mê, hứng thú với Toán học. Hưng có trí nhớ đặc biệt và tiếp thu rất nhanh. Năm Hưng học lớp 2, được bố dạy bài toán dân gian “vừa gà vừa chó, bó lại cho tròn, ba mươi sáu con, một trăm chân chẵn, hỏi có bao nhiêu gà, bao nhiêu chó”, Hưng đã nhớ, thuộc ngay cách giải. Sau đó lớp đi dã ngoại, Hưng mang bài toán dân gian đó ra hóm hỉnh đố vui với các bạn trên xe ôtô khiến cả lớp rộn ràng.

Bố Hưng kể, Việt Hưng may mắn được học tập ở những ngôi trường tốt (như Trường Ngôi sao, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên); may mắn là Hưng đã gặp được những thầy cô giáo dạy rất tận tình, tâm huyết, đã phát hiện năng khiếu và quan tâm, bồi dưỡng, động viên con học tập. Nhưng Việt Hưng không dựa vào sự may mắn mà luôn muốn thử thách bản thân bằng việc chinh phục các bài toán khó.

Năm lớp 6, có lần Hưng gặp một bài toán rất khó. Thấy con cứ loay hoay đánh vật với bài toán đó, bố Hưng bảo con nên đi ngủ, không cần theo đuổi bài toán đó nữa nhưng Hưng vẫn quyết tâm làm bằng được. Thấy con say mê, bố Hưng đã cùng Hưng giải quyết bài toán đó, đến 2h sáng thì cả hai bố con đã tìm được lời giải. Bố Hưng kể, Hưng chỉ ngủ ngon khi đã giải quyết xong các bài toán khó và nhiều đêm, em chỉ ngủ được 2, 3 tiếng… Có những bài toán, Hưng phải mất cả tuần lễ mới tìm ra lời giải nhưng em chưa bao giờ nản chí.

Cứ như vậy, từ những năm học tiểu học, rồi lên cấp 2, cấp 3, bằng tình yêu Toán học, Việt Hưng đã dần tích lũy kiến thức toán một cách bài bản. Hưng luôn cố gắng tìm những lời giải độc đáo đã giúp em có thêm bản lĩnh, trí tuệ, sự tự tin tham gia các đấu trường khu vực và quốc tế…

Cách đây 19 năm, vào năm 2003, Lê Hùng Việt Bảo, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đã đạt điểm tuyệt đối 42/42 tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế được tổ chức tại Nhật Bản. Thời điểm đó, thành tích của Lê Hùng Việt Bảo đã làm “chấn động” giới khoa học quốc tế. Và 19 năm sau, trải qua một quãng thời gian rất dài Việt Nam vắng bóng HCV ở mức điểm tuyệt đối thì năm 2022, Ngô Quý Đăng, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đã làm nức lòng giới trẻ Việt Nam khi em đạt 42/42 điểm.   

hsg 5.jpeg -0 

Các bạn chào đón “hai chàng trai vàng Toán học” Ngô Quý Đăng và Phạm Việt Hưng khi các em từ Na Uy (nơi tổ chức kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2022) trở về quê hương.

Những ai đã gặp Đăng đều ngạc nhiên vì “thần đồng toán học” này trông không giống “mọt sách”, ngược lại, em rất hóm hỉnh, hài hước, vẻ đáng yêu, hồn nhiên của em luôn khiến mọi người thấy vui vẻ, dễ chịu. Nhưng nghe các thầy kể về Ngô Quý Đăng thì mới thấy phía sau vẻ hồn nhiên, hài hước đó là một nghị lực phi thường của em. Đã có thầy giáo nói với tôi, nếu năng khiếu, trí tuệ của Đăng chiếm 20% thành công thì nghị lực và thái độ học tập của em chiếm tới 70% thành công, 10% còn lại là do các thầy hướng dẫn, dìu dắt em.

Sự so sánh hay định lượng nào cũng chỉ tương đối nhưng tìm hiểu về hành trình học tập của Ngô Quý Đăng mới thấy em giành được kỳ tích này là hoàn toàn xứng đáng. Mỗi ngày, Quý Đăng dành 10 – 12 tiếng để học Toán. Ngay từ thời học tiểu học, em thường tự nghĩ ra đề toán học để làm. Em thường xuyên gặp gỡ trò chuyện với nhiều sinh viên ngành toán, các thầy dạy toán. Cũng giống như Phạm Việt Hưng, Quý Đăng hiếm khi đầu hàng một bài toán khó. Em luôn có một quyển vở nhỏ, thấy bài toán nào hay, em sẽ chép đề bài và lời giải vào một quyển vở đó và lúc rảnh tranh thủ đọc lại. Cuốn vở này đầy, em lại thay vở mới và lưu giữ lại. Em còn có khả năng tự học tuyệt vời, đã giúp em luôn có tư duy sáng tạo và độc lập.

Thầy Nguyễn Vũ Lương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên – người trực tiếp dạy dỗ Đăng trong đội tuyển, chia sẻ: Để đạt được 42/42 điểm tại Olympic Toán quốc tế là cả một hành trình học hành nghiêm túc của Đăng, dù thông minh xuất sắc nhưng Đăng lại rất chăm chỉ, chịu khó học hỏi, tạo nền tảng kiến thức toán học vững chãi đến mức mà ở nhiều bài toán, em muốn “cầu thua” cũng khó…

Không có thảm đỏ nào trải sẵn hoa hồng. Viết đến đây tôi lại nhớ đến chàng trai “vàng” của Olympic Vật lí quốc tế 2022 Vũ Ngô Hoàng Dương. Bố mẹ em chỉ là cán bộ viên chức bình thường. Thời em còn bé, hoàn cảnh nhà rất khó khăn nên gia đình em liên tục phải chuyển nhà trọ đến những khu nhà trọ tồi tàn để ở, thậm chí đêm đến chuột chạy ầm ầm trên mái nhà.

Nỗ lực không ngừng và hành trình đến với khoa học (bài 1) -0

Vũ Ngô Hoàng Dương - "chàng trai vàng Vật lí quốc tế" khi còn là học sinh tiểu học đã say mê thí nghiệm.

Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn về vật chất, cậu bé Hoàng Dương từ khi là học sinh tiểu học bé xíu đã là con ngoan, trò giỏi, bộc lộ những tố chất của một người đam mê nghiên cứu khoa học. Em luôn say mê nghiên cứu các máy móc, hiện tượng thiên nhiên thời tiết.

Năm học lớp 5, khi được giới thiệu đến Phòng thí nghiệm Vật lý Edison của các thầy ở Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, em như lạc vào giữa gian phòng chất đầy dụng cụ thí nghiệm. Em đã xin các thầy cho làm thí nghiệm. Sự chăm chú, tò mò, ham hiểu biết của cậu bé Dương người nhỏ xíu đã gây ấn tượng với các thầy.

Lên cấp 2, Hoàng Dương đỗ Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhưng tuần nào em cũng đến phòng thí nghiệm đó để nghiên cứu. Khi nắm được kiến thức cơ bản, em bắt đầu học thêm kiến thức Toán và bắt đầu học Vật lí bằng tiếng Anh trên trang www.khanacadamy.org, khai thác về Vật lí từ nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh…

Một bước ngoặt lớn đã đến với Dương khi sang lớp 8, Dương tham gia thi chọn đội tuyển học sinh giỏi lý lớp 9 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và được chọn vào đội tuyển. Dương phải cố gắng hết sức để vượt qua nhiều anh chị vừa giỏi giang vừa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Bền bỉ học mỗi ngày, từ em út của đội tuyển Vật lí, Dương đã không ngừng tiến bộ sau mỗi bài kiểm tra định kỳ chọn đội tuyển, xuất sắc mang về giải Nhất học sinh giỏi TP Hà Nội và trở thành học sinh đầu tiên đạt giải nhất thành phố môn Vật lí khi còn đang học lớp 8…

Khi Hoàng Dương 15 tuổi, em trở thành người trẻ tuổi nhất Việt Nam đạt được huy chương Olympic quốc tế môn Vật lí. Năm 2022, khi mới học lớp 11, Dương lại đi thi với các anh chị học lớp 12 và giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lí. Mẹ Hoàng Dương – chị Ngô Hà cho tôi hay, Dương luôn phải vượt qua “các chướng ngại vật”, lớp bé đi thi với anh chị lớp lớn nhưng đó lại là cơ hội để em được thử thách, rèn luyện bản lĩnh thi đấu. Tại kỳ Olympic Vật lí Quốc tế 2022, Hoàng Dương đã giành HCV một cách ngoạn mục…

Còn rất nhiều những chàng trai “vàng, bạc, đồng” tuyệt vời của chúng ta, các em bằng ý chí vượt lên trên hoàn cảnh để đến với khoa học. Đó là em Nguyễn Việt Phong, lớp 12 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh, là nam sinh vừa đoạt HCV Olympic Hóa học quốc tế.

Phong không có điều kiện học tập quá tốt, em và gia đình vẫn phải thuê trọ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh nhưng hoàn cảnh khó khăn không làm nguội nhiệt huyết trong em. Em vẫn miệt mài tự học, học thầy, học bạn, lên mạng tìm các bài hóa học khó để chinh phục. Thái độ tự giác, tinh thần tự học, say mê khoa học bền bỉ - đó là mẫu số chung của các học sinh dự thi Olympic quốc tế, đã giúp các chàng trai của chúng ta tỏa sáng, mang vinh quang về cho Tổ quốc…

Thu Phương

Cập nhật ngày Thứ sáu, 11 Tháng 11 2022 18:56